QUY TRÌNH THĂM KHÁM LÂM SÀNG ĐỐI VỚI HỌC SINH CÓ VƯỚNG MẮC VÀ KHÓ KHĂN VỀ TÂM LÝ 

Nguyễn Bá Đạt – Khoa Tâm lý học – Trường ĐHKHXH&NV

Hiện nay, tình trạng học sinh có vướng mắc và  khó khăn về tâm lý biểu hiện thành các rối nhiễu tâm lý không còn là chuyện cá biệt nữa mà đang trở thành một hiện tượng khá phổ biến, trở thành mối quan tâm chung của các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Trước những học sinh có rối nhiễu tâm lý, chúng ta có thể xem xét và đánh giá ở những góc độ và khía cạnh khác nhau để đưa ra mô hình can thiệp và các giải pháp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi mới có thể nêu ra một quy trình thăm khám lâm sàng của nhà Tâm lý học học đường đối với các học sinh có vướng mắc và khó khăn về tâm lý rất mong được tiếp nhận những ý kiến bổ sung, góp ý của các vị học giả để tiếp tục suy nghĩ và đi sâu vào vấn đề mới được “khởi động ” này.
Thạc-sĩ-Tâm-thần-học
Trong trường học, các nhà tâm lý học học đường có vai trò giúp các em học sinh loại bỏ những vướng mắc và khó khăn về tâm lý mà mình mắc phải thông qua trao đổi với các thầy cô giáo, các phụ huynh và học sinh để chẩn đoán và trị liệu giúp các em thoát ra khỏi những vướng mắc hoặc giới thiệu các em đến nhà trị liệu tâm lý đối với các em loạn tâm.Học sinh có những vướng mắc và khó khăn về tâm lý thường biểu hiện dưới dạng rối nhiễu tâm lý. Theo cách tiếp cận phân tâm học, rối nhiễu tâm lý là những triệu chứng bên ngoài của những sang chấn bên trong, những xung đột mang tính vô thức, không giải quyết được từ thủa ấu thơ. Một số biểu hiện ra bên ngoài có thể liệt kê ra như sau: Các biểu hiện tâm thể: đau đầu, ngất, co giật phân lý, đau bụng, đau xương khớ, đau ngực… Các rối loạn chức năng công cụ: nói lắp, không nói được, nói ngọng thứ phát, một số rối loạn khác; lo âu, sợ hãi, trầm cảm, tách mình ra khỏi bạn bè, đái dầm thứ phát; bệnh tíc, các biểu hiện tâm lý khác; nói dối, bỏ học, có hành vi phá hoại, gây rối, gây gổ xích mích với các bạn, trong lớp mất trật tự không tập trung trong lớp, kết quả học tập giảm xút, sử dụng ma tuý.

Lâm sàng có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Lâm sàng theo nghĩa rộng là tổng hợp tất cả các thông tin, kể cả phi lâm sàng để chẩn đoán và những chỉ định trị liệu cụ thể. Theo nghĩa rộng lâm sàng là cả một quy trình gồm nhiều khâu: Hỏi chuyện – xét nghiệm ( teste ) – giả thiết chẩn đoán – chứng nghiệm giả thiết. Lâm sàng theo nghĩa hẹp là trực tiếp khám và hỏi chuyện trẻ. Khám tức vận dụng các giác quan để quan sát tìm ra dấu hiện rối nhiễu, giỏi lâm sàng là phát hiện ra những dấu hiệu tế nhị nhất. Hỏi chuyện, hỏi về những triệu chứng hiện hữu, về cuộc sống, về tiền sử của học sinh, có thể hỏi chuyện những người thân như các thầy cô giáo, các bạn trong lớp, cha mẹ, ông bà… bước tiếp theo tra cứu hồ sơ ( nếu có ) nghi chép lại những sự kiện có liên quan đến học sinh.

Như vậy, thăm khám lâm sàng được hiểu, đó là quá trình trực tiếp khám và hỏi chuyện học sinh và những người thân để chẩn đoán và có những chỉ định trị liệu. Phương pháp làm việc là có sự đối tác hai bên, nhưng không mang tích chất bắt buôc.Thăm khám lâm sàng là một kỹ thuật nhưng nó có lý thuyết liên quan đến đời sống tâm trí của trẻ.
Bản thân mỗi con người cá thể là một hệ thống phức hợp, gồm ba yếu tố: sinh lý, xã hội, tâm lý. Phần sinh lý tức thân thể ( ký hiệu S ) cũng là một hệ thống phức hợp, cũng như tổng thể các mối quan hệ xã hội  ( X ) của cá thể, hay cấu trúc tâm lý ( T ). Ba mặt S.X.T tác động lẫn nhau tạo ra một tổng thể nhất định tức là một nhân cách, phải tìm hiểu cả ba mặt và để tạo ra những chuyển biến trong nhân cách ấy phải tác động lên cả ba mặt.

Một đặc điểm quan trọng nữa là tính cá biệt trong từng con người một, không người nào giống người nào. Tính cá biệt ấy là do cả một quá trình lịch sử mà hình thành trong mỗi người.
Trong quá trình khám – hỏi – chẩn đoán lâm  sàng nhà tâm lý phải thường xuyên nhớ đến tính hệ thống của nhân cách con người, không thể suy luận theo kiểu máy móc, theo quy luật nhân quả đơn tuyến. Nhưng cũng phải hết sức chú ý tính cá biệt trong từng con người một, tránh những định kiến có sẵn trong đầu để đi đến chụp mũ ngay cho học sinh.

Thăm khám lâm sàng là một kỹ thuật buộc các nhà tâm lý phải tuân theo một số nguyên tắc.
+ Tôn trọng những quan điểm của đối tượng, không lấy quan điểm về văn hoá, đạo đức, triết lý của nhà tâm lý mà đánh giá quan điểm của đối tượng, của học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh. Nhưng nhà tâm lý cũng phải hết sức chú ý tránh bị cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo lôi cuốn vào những câu chuyện mê hoặc, ngược lại nhà tâm lý cũng tránh lôi cuốn cha mẹ học sinh hấp dẫn, mà cần phải tạo ra một không gian chung, tránh có sự đối đầu và sự hoà tan cần có sự hiểu biết chung.

+ Đứng trước người khác, với sự việc, hiện tượng nhiều khi phi đạo đức, nhà tâm lý phải có thái độ thông cảm, khoan dung, không kết án và xét đoán, phải khách quan xem xét, tìm hiểu tình tình.

+ Nhà tâm lý cần nhận thức thật rõ bản thân đang vận dụng khái niệm, học thuyết, trong mỗi một trường hợp nhất định. Nhà tâm lý luôn luôn phải biết làm chủ lấy bản thân về mặt cảm xúc cũng như về mặt nhận thức.

+ Nhà tâm lý học không được can thiệp thô bạo, không được phép ép buộc học sinh, gia đình, thầy cô phải làm cái này, phải làm cái kia.

Quy trình thăm khám lâm sàng diễn ra các bước sau đây:

Bước I. Đến trường.
1. Gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm.

– Giới thiệu về bản thân và mục đích của cuộc viếng thăm điều này giúp nhà tâm lý thiết lập được ngay mối quan hệ và cộng tác của giáo viên.

– Lắng nghe lời nhận xét, có thể là những lời phàn nàn than phiền về sức khoẻ, tác phong,cử chỉ, nề nếp thái độ học tập và kết quả học tập của giáo viên về học sinh, cũng như những biện pháp, hình thức sử lý đã được áp dụng đối với học sinh. Nhà tâm lý không được phán xét các công việc của giáo viên, thông qua các câu hỏi phản hồi làm sáng tỏ vấn đề để xây dựng hình ảnh đứa trẻ ở trường học.

2. Quan sát đứa trẻ trong lớp. Muốn có hiệu quả không được nói là có nhà tâm lý đến dự. ở lớp quan sát đứa trẻ có những hành vi, cảm xúc và những phản ứng của trẻ đối với những học sinh khác trong khi chơi cùng nhau. Quan sát đứa trẻ trên lớp giúp nhà tư vấn nhận diện thêm về đứa trẻ.

Bước II. Gặp cha mẹ của trẻ. Sau buổi làm việc tại trường nhà tâm lý được giáo viên giới thiệu đến gặp cha mẹ học sinh qua thư tay do học sinh đem về. Sẽ có hai trường hợp sảy ra.

+ Trường hợp thứ nhất: Cha mẹ học sinh nấn ná, khất lượt, không đến gặp nhà tâm lý ngay, ở đây nhà tâm lý phải biết chờ đợi, tạm chấp nhận cái hụt hẫng ban đầu.
+ Trường hợp thứ hai: Cha mẹ học sinh đến ngay đúng hen.

+ Trong quá trình giao tiếp trao đổi với cha mẹ học sinh nhà tâm lý phải chú ý khái niệm ngôn ngữ, những từ hàm ngôn, hiển ngôn.

Buổi đầu gặp gỡ tránh đề cập đến những vấn đề quan trọng, dẫn dắt cho cha mẹ học sinh, học sinh hiểu triệu chứng ban đầu chưa phải là bệnh.

Dẫn dắt cha mẹ học sinh nói ra lịch sử ra đời và phát triển lớn lên của trẻ . Lịch sử của đứa trẻ có liên quan đến lịch sử riêng của cha mẹ. Đứa trẻ ra đời có có phải là theo ý muốn, kế hoạch của họ, chú ý tên gọi của đứa trẻ, ai là người đặt tên, nó mang ý nghĩa gì ?

Tìm hiểu sự kỳ vọng của cha mẹ vào đứa trẻ, sự viễn tưởng của cha mẹ học sinh vào đứa con của họ, bởi đứa trẻ thực tế nó khác xa đứa trẻ tưởng tượng. Từ chỗ quá kỳ vọng vào đứa trẻ mà không lắng nghe nhu cầu của đứa trẻ, nảy sinh ra sự hiểu lầm về đứa trẻ.
Nhà tâm lý không quên tìm hiểu hoàn cảnh hiên tại của gia đình như nơi ở, nghề nghiệp của cha mẹ, số thành viên trong gia đình, gia đình bao thế hệ, số con của họ…

Nhà tâm lý phải chú ý đến những sự cố trong gia đình vì nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm trí của trẻ và gây ra những sang chấn tâm lý.

Qua trao đổi với cha mẹ học sinh nhà tâm lý xây dựng hình ảnh về đứa trẻ theo chiều dài lịch sử ra đời và phát triển cũng như hình ảnh đứa trẻ trong gia đình hện tại. Mang lại cho cha mẹ học sinh về một chút hiểu biết thực về đứa con mình.

Bước III. Gặp gỡ với học sinh: Trực tiếp gặp học sinh để hỏi chuyện và quan sát hành vi, cảm xúc của học sinh.

Dẫn dắt trẻ nói ra tình huống, hoàn cảnh, những lúc, những giai đoạn trẻ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc nhất hoặc cảm thấy khó khăn và đau khổ nhất.

Timh hiểu những sở thích và mong muốn của trẻ.

Phối hợp với bắc sỹ, y sỹ của trường khám kiểm tra xem trẻ có bị tổn thương về mặt thực thể không để loại trừ nguyên nhân từ tổn thương thực thể.

Cho trẻ làm một số teste về trí thông minh, teste về xu hướng nhân cách, nhất là cho trẻ vẽ để bổ sung thêm thông tin dữ liệu khi chẩn đoán.

Trong trao đổi lâm sàng, bước I và bước II có thể hoán vị cho nhau. Thực hiện bước II trước bước I nếu nhà tâm lý nhận được lời mời từ cha mẹ của học sinh. Bước III có thể diễn ra song song cùng bước II khi đứa trẻ cùng cha mẹ đến phòng khám.

Bước IV. Chẩn đoán và trị liệu.

Qua khám lâm sàng nhà tâm lý xây dựng một hình ảnh hoàn thiện về đứa trẻ qua từng giai đoạn lịch sử phát triển của nó. Từ đó đưa những giả thiết chẩn đoán và đi tìm những chứng cứ để chứng minh giả thiết bằng phương pháp suy luận: quy nạp, diễn dịch, loại suy để đi đến kết luận là những vướng mắc và khó khăn về tâm lý của học sinh chỉ cần tăng sự hiểu biết của mọi người và trẻ về trẻ là giải quyết được hay phải trị liệu.

Cụ thể trường hợp V. H.A. 13 tuổi, nữ học sinh lớp 7, nhất định đòi bỏ học, đã chốn học vài lần bị bố đánh, mẹ khuyên nhủ hết lời, gia đình bất lực.

I. Hoàn cảnh gia đình.

– Bố là sỹ quan quân đội, gần 40 tuổi, công tác trong thành Hà Nội, Tính tình nóng nảy, cương trực, cứng nhắc kiểu quân sự.
– Mẹ là y tá ở một nhà máy in, 38 tuổi, tính dị dàng tế nhị, chịu khó: hay ốm yếu do bệnh tim hành, không biết chết lúc nào, nên rất lo lắng cho các con.
– Nhà có hai chị em gái, V.H.A là chị lớn 13 tuổi, đang học lớp 7 trường N.C.T. ở quận ba đình. Hà Nội: Em gái là V.H.M. 5 tuổi đang học lớp mẫu giáo lớn.

II. Theo lời cô giáo kể.

H.A. học lực khá, gia đình quan hệ tốt với nhà trường, nên H.A được các thầy cô giáo tin yêu, điểm học tập các môn đều khá. Nhưng trong lớp có nhiều bạn học kém, bỏ học vì nghèo, vì có bố có anh nghiện hút, tiêm trích. H.A. đua với ban cái lại thầy cô giáo, rồi bỏ học mấy lần, còn có hành vi trấn lột các em nhỏ. Nhà trường đã báo cho gia đình biết.

II. Theo lời mẹ cháu kể.

Nhận được giấy báo củ nhà trường, bố bực, giận đánh con, mẹ khuyên bảo thì cháu nhất định không đi học nữa, nhất định tìm việc đòi đi làm. Mẹ phải đặt điều kiên con phải học hết lớp 7 thì mới tìm việc làm, H.A chấp nhận. Mẹ định đưa con xuống ở  nhà ông bà nội ở T.C… xin học trường mới trường như cháu không chịu nó bảo: Thà phải xin lỗi thầy, cô giáo học trường cũ con hơn. Nhận lời  hứa cháu học hết lớp 7, lên lớp 8.

III. Tiền sử gia đình.

Chị là con dâu trưởng trong gia đình, ở với bố mẹ và các em chồng. Bố chồng là giám đốc nhà máy in xin chị là y tá trong nhà máy.Chị rất chăm chỉ chựi khó, ngoìa việc lao động cơ quan, ở gia đình, chị còn kéo sợi để thêm thu nhập. Lúc có mang mệt nhọc, chị được bố chồng thường xuyên xách hộ nước, đỡ chị chút việc trong nhà. Điều đó làm cho mẹ chồng và các em chồng không ưng, đem làng nghen ghét. Mẹ chồng ghi chị chửa với người khác, vì chồng chị đi công tác xa, gia đình không hoà thuận. Chị biết ý xin ăn ở riêng. Khi sinh H.A chị ốm thập tử nhất sinh, phải nhờ cô em chồng nuôi con hộ. Anh về nghe lời thị phi, chị hỏi anh thì anh bảo rất tin yêu vợ. Nhưng bà nội nhất định không nhận cháu. Có lần cháu lên thăm bà, cô dắt tay cháu không cho vào gặp bà (lúc cháu mới 3 tuổi ), chị đau khổ ốm tưởng chết, dặn dò chồng phải yêu thương con nếu chị qua đời. Anh an ủi, động viên chị, sau đó anh xi chuyển côg tác về Hà Nội. Anh chị có thêm cháu nhưng vẫn là con gái, anh chị rất thương yêu nhau.
IV. Gặp H.A.

Khi tiếp xúc. cháu tỏ ra lễ phép, nhanh nhạy, thông minh, nhạy cảm. Cháu Kể: Cháu học khá, thầy cô đêù cho điểm tốt,. Bạn cháu cũng làm bài tương tự ( cháu giúp ) mà thầy cô cho điểm thấp hơn. Cháu thấy thầy cô không công bằng, cháu lên hỏi hộ bạn. Thế mà thầy mắng, còn ném phấn và mặt cháu, đuổi cháu ra khỏi lớp. Đã thế cháu bỏ học luôn, chẳng cần nữa,. Cháu chơi với tất cả các bạn trong lớp, ở trường. Nhiều bạn cháu cũng bỏ học đứa vì học kém, đứa vì nhà nghèo không có tiến đóng góp, đứa vì cha, anh nghiện hút không được đi học nữa. Mẹ cháu cấm không cho cháu chơi với các bạn ấy.
Mẹ cháu thì dịu dàng, nhưng cứ bắt cháu phải thế này thế nọ, cháu chán chẳng muốn nghe nữa. Còn bố cháu không yêu cháu, hay quát mắng, chỉ quan tâm đến em cháu thôi.

V. Lời bàn.

Từ nhỏ, H.A. đã thiếu sự chăm sóc của mẹ ( mẹ ốm nặng ) cùng thiếu sự quan tâm của cha. H.A. thiếu tình cảm chăm sóc của cha mẹ và ông bà, khi cha về sống chung thì lại có em bé. Cha chăm sóc em nhiều hơn. Điều đó gây ấn tượng bất công với cháu. Cháu trở nên bướng bỉnh, xa cách cha. Cháu chỉ gần mẹ, được mẹ chiều chuộng, nhưng mẹ hay đau ốm, thái độ bất thường , có khi còn gắt gỏng với cháu, cháu thiếu tình cảm.

Ơ trường, cháu là thiếu nữ có cá tính mạnh, muốn khẳng định vai trò của mình trước bạn bè, có nhiều hành động bồng bột, nhất thời của một thiếu nữ ở tuổi dậy thì. Gia đình ngăn chặn kịp thời chưa trở thành cấu trúc nhân cách.

VI. Phương pháp tháo gỡ.
Chuyện trò tâm tình, có tính chất bàn luận, gợi mở để cho cha mẹ, H.A. tự lựa chọn và  thầy cô giúp đỡ.

KẾT LUẬN.

– Thăm khám lâm sàng là một ký thuật, có quy trình cụ thể. Nhưng nó có lý thuyết liên quan đến đời sống tâm trí của trẻ.
– Thăm khám lâm sàng diễn ra có sự đối tác của hai bên, trong quá trình thăm khám nhà tâm lý phải chú ý một số nguyên tắc sau: Tránh sự đối đầu, hoà tan với học sinh, cha mẹ học sinh, thầy cô giáo, luôn phải làm chủ sự nhận thức và cảm xúc của bản thân.
– Xây dựng hình ảnh về đứa trẻ theo chiều dài lịch sử và hiện tại trong gia đình, nhà trường, nhóm bạn…
– Trên cơ sở thông tin thu được đưa ra chỉ định trị liệu, theo phương pháp suy luận: diễn dịch, quy nạp, loại suy.

Tài liệu tham khảo.
1. Báo Giáo dục thời đại: Thứ 7 ngày 29/2/2000. số 23.
2. Tạp chí Tâm lý học. số 3 năm 1997, số 4 năm 1997, số 6 năm 1999
3. Thông tin khoa học trung tâm N- T số 1 năm 1995.
4. Từ điển Tâm lý học. Chủ biên. BS. Nguyễn Khắc Viện. NXB. Thế giới. Hà Nội 1995.
5. Tâm lý học lâm sàng trẻ em. Chủ biên. BS. Nguyễn Khắc Viện. NXB. Thế giới. Hà Nội 1996.

Nguồn: http://tamlyhoc.net/thread-676.html

Tin liên quan chuyên mục: Hoạt động giáo dục đặc biệt

Charley Taylor Womens Jersey