Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đến trường
Tạm biệt mùa hè, chào đón mùa thu là lúc các em chuẩn bị cắp sách đến trường. Khúc giao mùa này cũng là thời điểm các em rất dễ mắc bệnh.
Trường lớp chật hẹp, học sinh đông đúc, cùng học, cùng chơi, cùng ăn và cùng ngủ là môi trường rất dễ lây lan các loại bệnh truyền nhiễm. Bệnh không từ một ai nhưng trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng sẽ dễ mắc bệnh hơn do sức đề kháng kém. Bị bệnh thường xuyên sẽ khiến sức khỏe giảm sút và trẻ phải nghỉ học nhiều ngày làm ảnh hưởng đến việc học tập.
Phòng bệnh thế nào?
Cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách tập cho trẻ ăn đầy đủ và đa dạng các thực phẩm tự nhiên để nhận được các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Trẻ cần được ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ, ngủ đủ giấc. Tập cho trẻ thói quen ăn sáng đầy đủ tại nhà trước khi đến trường. Ngay cả sữa là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng cũng không thể thay thế được bữa ăn sáng. Cha mẹ không nên phát tiền quà sáng cho trẻ vì thực phẩm bán tại căn tin rất khó kiểm soát. Nhiều trẻ không ăn vì muốn để dành tiền mua đồ chơi, hoặc chỉ ăn qua loa với bánh kẹo ngọt, nước ngọt, hoặc mì gói, snack… Đây là những loại thực phẩm có thể gây béo phì nhưng lại không đủ dưỡng chất cho sự tăng trưởng và phát triển trí não của trẻ. Đó là chưa kể trẻ có thể mua các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh như bánh tráng trộn, si rô, trái cây ngâm chua ngọt… Cha mẹ cần nhớ rằng trẻ không thể tiếp thu bài học với cái bụng trống rỗng. Hơn nữa, ăn thiếu bữa sẽ làm chậm sự tăng trưởng của trẻ và ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả sức đề kháng của cơ thể. Khi đó, trẻ sẽ rất dễ mắc bệnh và lại càng bị thiếu chất, tạo thành vòng luẩn quẩn khó thoát.
Tập cho trẻ thói quen uống nước thường xuyên (là nước lọc chứ không phải nước ngọt đâu nhé). Điều đáng sợ nhất khi đi học là trẻ nhịn uống nước do sợ đi tiểu. Điều này rất có hại vì khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, trẻ sẽ mau mệt mỏi, suy nghĩ kém tập trung, dễ bị viêm họng và viêm nhiễm đường tiết niệu, dễ bị táo bón. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ cách quan sát màu nước tiểu. Nếu nước tiểu trong và vàng nhạt là trẻ đã uống đủ nước và ngược lại, nếu nước tiểu vàng sậm và đục là chưa đủ lượng nước cho cơ thể, trẻ cần phải uống thêm. Thời tiết nóng càng phải bổ sung nhiều nước để bù lượng nước mất qua mồ hôi.
Làm gì khi trẻ bệnh?
Nếu trẻ bị ho, sổ mũi nhưng chưa sốt thì nên cho trẻ uống nhiều nước, tránh để quạt máy thổi trực tiếp vào người, trẻ có thể mang khẩu trang khi đi học để giữ ấm hơi thở và cũng để tránh lây bệnh cho bạn bè. Nếu trẻ bị tiêu chảy hoặc bệnh tay chân miệng thì nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, thức ăn mềm, dễ tiêu hóa nhưng vẫn đủ dinh dưỡng. Trẻ cần được khám thường xuyên cho đến khi khỏi hẳn.
Đối với trẻ suy dinh dưỡng, kén ăn hoặc ăn không đủ ở trường vì chưa quen thì khi về nhà, trẻ cần được ăn đa dạng những món ưa thích, bổ sung thêm sữa, yaourt, bánh flan, trái cây… Cha mẹ cũng cần trao đổi thêm với giáo viên cách tập cho trẻ ăn và nên cho trẻ mang theo 1-2 hộp sữa vào trường để uống bổ sung vào giờ ra chơi đầu của buổi sáng và sau khi ngủ trưa dậy.
Tóm lại, trẻ chỉ có thể học tốt, phát triển thể chất và trí não toàn vẹn khi cơ thể khỏe mạnh, được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và thường xuyên hoạt động thể lực. Hãy chăm sóc trẻ và tập cho trẻ biết cách tự chăm sóc mình để hình thành thói quen tốt cho sức khỏe ngay từ nhỏ.
TS-BS Trần Thị Minh Hạnh
(PGĐ Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM)
Theo: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/cham-soc-dinh-duong-cho-tre-den-truong-470717.html