TRUNG TÂM GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT VÀ HỖ TRỢ TÂM LÍ TÔ HIẾN THÀNH THÔNG BÁO TUYỂN SINH

V/v Tuyển sinh trẻ có nhu cầu Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ tâm lí

lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học năm học 2014- 2015.

Căn cứ kế hoạch phát triển giáo dục năm học 2014-2015 của Trường Tiểu học và Mầm non Tô Hiến Thành, nhằm mục tiêu hỗ trợ cho đối tượng trẻ có nhu cầu đặc biệt và trẻ có khó khăn tâm lí, Ban lãnh đạo nhà trường- Trung tâm Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ lâm lí thông báo kế hoạch tuyển sinh như sau:

  1. Đối tượng tuyển sinh

–         Trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt: chậm phát triển trí tuệ, khó khăn về học, tự kỉ, rối loạn ngôn ngữ….

–         Trẻ có nhu cầu trị liệu tâm lí: rối loạn cảm xúc (trầm cảm, rối loạn ám ảnh, rối loạn lo âu, hoảng sợ…), rối loạn hành vi (chống đối, bạo lực, nghiện game, tăng động giảm chú ý…).

–         Nhà trường tuyển sinh trẻ ở độ tuổi mầm non từ 2đến 9 tuổivà tuổi tiểu học từ 7 đến 15 tuổi(không tuyển sinh trẻ dưới 2 tuổi).

  1. Thời gian tuyển sinh

–         Đối với các trẻ học tiểu học hòa nhập, nhà trường tiếp nhận hồ sơ đăng kí từ ngày 01/8/2014 đến 15/9/2014.

–         Tuyển sinh liên tục lớp mầm non hòa nhập, lớp chuyên biệt và trị liệu tâm lí.

  1. Hồ sơ tuyển sinh

– Đơn xin nhập học (theo mẫu của nhà trường).

– Bản sao công chứng chứng minh thư, hộ khẩu của bố mẹ.

– Bản sao công chứng giấy khai sinh của trẻ.

– Bản cam kết giữa gia đình và nhà trường.

– Giấy khám sức khỏe của bệnh viện tuyến huyện (quận) trở lên.

– 10 ảnh 4 x 6

– Ảnh các thành viên trong gia đình (bố mẹ, ông bà, anh chị em).

4. Những điều phụ huynh cần biết

“ Bình thường như những người khác không phải là điều quan trọng mà quan trọng là chúng em được mọi người chấp nhận, được sống và được yêu thương, được làm việc trong khả năng cho phép” là lời của một em học sinh bị khuyết tật vận động do di chứng Chất độc da cam/Dioxin đang được nuôi dưỡng tại Làng Hữu Nghị Việt Nam. Câu nói ấy đã khiến chúng tôi, những người làm nghiên cứu phải trăn trở trong nhiều năm qua. Đó không chỉ là suy nghĩ của một cá nhân mà còn của rất nhiều người khuyết tật khác đang cần có sự hỗ trợ tích cực từ xã hội. Trẻ khuyết tật có cùng mối quan tâm và nhu cầu như mọi trẻ em khác. Em muốn được chấp nhận là một thành viên trong xã hội và được tôn trọng.

Trên thực tế, phần lớn trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia tiểu học hòa nhập như: khối lượng kiến thức lớn, phương pháp tiếp cận và phương pháp dạy học chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ khuyết tật hay những định kiến xã hội… Tạo ra một môi trường học tập thân thiện với sự giúp đỡ tích cực từ bạn bè của trẻ, giáo viên, nhà chuyên môn theo phương châm “Hãy giúp trẻ tự làm việc đó” sẽ là ưu thế giúp trẻ khuyết tật chứng minh khả năng của bản thân và hòa nhập với cộng đồng. Đó chính là tiền đề cho sự ra đời của Trung tâm Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ tâm lí Tô Hiến Thành.

Trung tâm đặt trong trường Tiểu học Tô Hiến Thành sẽ là một lợi thế mà nhiều trung tâm khác không thể có được, bởi tại đây, trẻ khuyết tật vừa có cơ hội học văn hóa, được can thiệp cá nhân, vừa có cơ hội tham gia vào hòa nhập và sinh hoạt trong một môi trường thân thiện.

4.1. Tầm nhìn phát triển

Trở thành Trung tâm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn tâm lí, dịch vụ giáo dục đặc biệt và can thiệp sớm chất lượng cao bằng quá trình trợ giúp để trẻ khuyết tật thành công trong môi trường hòa nhập, phát huy điểm mạnh, hạn chế những khiếm khuyết, mang lại giá trị tốt đẹp cho những trẻ khuyết tật nói riêng và những trẻ gặp khó khăn về tâm lí nói chung.

4.2. Nguyên tắc hoạt động

Trung tâm hoạt động dựa trên những nguyên tắc sau:

  • An toàn
  • Hiệu quả
  • Chất lượng
  • Trách nhiệm
  • Thân thiện
  • Tin cậy
  • Bền vững.
  • Đạo đức nghề nghiệp

 

4.3. Cơ cấu tổ chức

+ Ban quản lí bao gồm:

  • Hiệu trưởng nhà trường: Đào Quốc Vịnh
  • Quản lí chuyên môn: Ths.Nguyễn Thúy Vân

+ Ban cố vấn chuyên môn:

  • PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng- chủ nhiệm bộ môn tâm Khoa Tâm lí- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lí- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Ths.Nguyễn Thị Kim Hoa- Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt- Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

+ Các nhà chuyên môn làm việc trực tiếp với học sinh:

  • Ths.tâm lí Nguyễn Thúy Vân
  • Trung tâm còn có đội ngũ cộng tác viên đông đảo, là những cán bộ, giảng viên, giáo viên, cử nhân tâm lí, kĩ thuật viên vật lí trị liệu, có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lí học, tiểu học, mầm non, giáo dục đặc biệt, dạy nghề và phục hồi chức năng.

4.4. Phương pháp giáo dục

Trẻ có nhu cầu đặc biệt cần được hỗ trợ tích cực trên mọi bình diện cả về thể chất và tâm lí, xúc cảm, tình cảm, hành vi, nhận thức, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tương tác và duy trì các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là các kĩ năng sống và hướng nghiệp. Do đó, các hướng tiếp cận và phương pháp dạy học là vô cùng quan trọng đối với trẻ.

Thực tế, trong nhiều trường học của Việt Nam, phương pháp dạy học thường rất đơn điệu, khó gây được sự chú ý của học sinh và ít khuyến khích sự sáng tạo của các em. Còn ở các nước phương Tây, trường học giống như một lễ hội cho các em học sinh tiểu học và mầm non.Xuất phát từ việc tôn trọng quyền tự quyết định của các em và tiến tới hòa nhập cộng đồng, chúng tôi đã nghiên cứu và mang đến cho trẻ một mô hình học tích hợp lấy học sinh làm trung tâm đó là trò chơi có sự kết hợp với các phương pháp dạy học để các em có thể học thông qua trò chơi. Có một điều cần được nhấn mạnh đó là chính các em có thể tự khám phá, tìm hiểu những kiến thức của mình hơn là việc nói cho các em cần làm những gì hay như thế nào. Những phương pháp này khắc sâu cho học sinh những kiến thức một cách có hiệu quả hơn bằng cách làm cho việc học trở nên thú vị và chủ động. Bên cạnh đó, phương pháp dạy học này còn thúc đẩy sự chủ động và khả năng sáng tạo trong công tác giảng dạy, học tập của cả giáo viên và học sinh trong các lớp học bình thường, lớp học hòa nhập, lớp chuyên biệt và các giờ can thiệp cá nhân.

4.5. Tiến trình thực hiện

+ Phụ huynh đăng kí

+ Đánh giá sàng lọc: nhằm xác định mức độ phát triển hiện tại, khả năng, nhu cầu của trẻ và các rối nhiễu tâm lí.

+ Phân chia lớp

+ Xây dựng kế hoạch can thiệp dưới sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lí, giáo viên giáo dục đặc biệt, giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non, giáo viên dạy nghề và kĩ thuật viên vật lí trị liệu. Chương trình giáo dục cá nhân gồm: kĩ năng nhận thức, kĩ năng xã hội, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, kĩ năng vận động. Những trẻtham gia vào các lớp học hòa nhập và chuyên biệt sẽ được tăng cường các giờ học: hoạt động với thực tiễn và kĩ năng sống.

+ Thực hiện kế hoạch:

  • Trẻ trong lớp chuyên biệt sẽ được tham gia vào giờ hoạt động chung của toàn trường và giờ hoạt động tập thể của các lớp học bình thường (2-3 tiết/ tuần), nhằm tạo sự gắn kết giữa những trẻ bình thường và trẻ bị khuyết tật. Hoạt động này không những giúp cho trẻ bình thường biết cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ những bạn kém may mắn hơn mình mà còn giúp trẻ khuyết tật vơi đi mặc cảm và có cơ hội hòa nhập.
  • Trị liệu lao động: trẻ được tham gia vào các lớp hướng nghiệp nghề theo khả năng và sở thích như làm bưu thiếp, làm hoa nghệ thuật, thêu, nấu ăn, vi tính.
  •   Trị liệu ngôn ngữ: mỗi trẻ hàng ngày đều được tham gia vào giờ học phát triển ngôn ngữ, đối với những trẻ khiếm thính có nhu cầu trị liệu ngôn ngữ thêm và học  ngôn ngữ kí hiệu thì có thể đăng ký theo giờ.
  •  Phục hồi chức năng: cho trẻ Down, bại não, trẻ chậm phát triển vận động.
  • Hỗ trợ và tư vấn tâm lí: cho trẻ có rối nhiễu về tâm lí.
  • Trong quá trình can thiệp, trẻ sẽ được đánh giá bổ sung về mức độ phát triển và sự đáp ứng với phương pháp tiếp cận hiện tại, từ đó nhà chuyên môn điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp nhất đối với sự phát triển của trẻ.
  • Một giờ can thiệp kéo dài 30 phút, 1 cô 1 trò tại phòng chuyên biệt.
  • Trẻ được đưa đi dã ngoại để nhận biết thế giới xung quanh mình.
  •  Giao lưu văn nghệ với các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn và các trung tâm khác.
  •  Tạo điều kiện để tình nguyện viên trong nước và quốc tế đến giúp đỡ và giao lưu.

+ Đánh giá: định kì cứ 6 tháng, trẻ sẽ được kiểm tra đánh giá lại một lần để bổ sung cho giáo viên và nhà tâm lí điều chỉnh chương trình can thiệp phù hợp với mức độ phát triển của mỗi trẻ.

4.6. Đảm bảo chất lượng

  • Hai tháng một lần tổ chức tập huấn cho giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non về các phương pháp giáo dục và hỗ trợ cho trẻ khuyết tật.
  • Mỗi tuần giáo viên giáo dục đặc biệt có một buổi để lên kế hoạch can thiệp và làm đồ dùng dạy học cho tuần tiếp theo.
  • Thường xuyên tham vấn với các cố vấn chuyên môn
  • Lãnh đạo giám sát hoạt động của lớp học qua hệ thống camera để đảm bảo các tiết học được thực hiện nghiêm túc và chất lượng dạy của giáo viên đối với học sinh.
  • Lãnh đạo thường xuyên dự giờ giáo viên.
  • Thường xuyên kiểm tra chất lượng hoạt động của các bộ phận.
  • Họp phụ huynh 6 tháng/ lần để báo cáo trao đổi kết quả của học sinh.
  • Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi tham vấn và hội chẩn chuyên môn với các cố vấn chuyên môn, đặc biệt là các trường hợp phức tạp.

 4.7.Thời gian biểu một ngày của lớp chuyên biệt (từ thứ 2 đến thứ 6)

 Thời gian Nội dung
7h30 – 8h15 Đón trẻ
8h15 – 8h45 Xếp vòng tròn buổi sáng: chào hỏi, giới thiệu, sắp xếp thời khóa biểu và nói về các hoạt động sẽ diễn ra trong ngày…
8h50 – 9h20 Hoạt động tự do (trẻ tự lựa chọn hoạt động mình yêu thích và muốn khám phá như hoạt động với thực tiễn, toán học, tiếng việt, luyện giác quan…)
9h20 – 9h25 Nghỉ giải lao
9h25- 9h55 Hoạt động tập thể, phát triển vận động
10h – 10h30 Học cá nhân: phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, nhận biết – phát triển tư duy, kỹ năng tự lập, kỹ năng tương tác…
10h30 – 10h40 Rửa tay, kê bàn ghế chuẩn bị ăn trưa
10h40 – 11h00 Ăn trưa
11h00 – 13h50 Nghỉ trưa
13h50 – 14h5 Vệ sinh cá nhân
14h5- 14h35 Học nhóm: kĩ năng sống (kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng xã hội), hướng nghiệp nghề.
14h40 – 15h10 Học tập cá nhân theo chương trình riêng của mỗi trẻ
15h10 – 15h40 Bữa phụ chiều
15h40 – 16h00 Sinh hoạt nhóm

 

Mỗi lớp có 10- 12 học sinh, các em được học tập, can thiệp theo tỉ lệ 1 giáo viên/ 4- 5 học sinh.

Để biết thêm chi tiết, xin Quý phụ huynh vui lòng liên hệ:

Trung tâm Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ tâm lí Tô Hiến Thành

Địa chỉ: Số 8- Ngõ 487/1- Kim Ngưu- Hai Bà Trưng- Hà Nội.

Điện thoại: 04.38621564- 0903246092- 0913521101-0979362404

Email: c1dltohienthanh-hbt@hanoiedu.vn; tieuhoctohienthanh@gmail.com; giaoducdacbiettohienthanh@gmail.com.

4.8. Quy định của Trung tâm Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ tâm lí

  • Phụ huynh tôn trọng mọi hoạt động và thực hiện đầy đủ nội quy của Trung tâm. Không cho con đi học muộn quá 8h00 và không đón sớm trước 16h00.
  • Tôn trọng và phối hợp và thống nhất với giáo viên trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ.
  • Đóng học phí đầy đủ và đúng thời hạn từ ngày 25 – 31 tháng trước.
  • Nếu trẻ nghỉ học dưới 10 ngày có lý do thì phải có đơn xin phép nộp cho Ban giám hiệu.
  • Phụ huynh cùng có trách nhiệm với Trung tâm giải quyết những trường hợp không may xảy ra tai nạn (do sự không hiểu biết của trẻ khuyết tật gây ra) trong thời gian trẻ học tại Trung tâm.
  • Khi có vấn đề thắc mắc, phụ huynh cần phản ánh trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm lớp, Ban lãnh đạo nhà trường hoặc quản lí Trung tâm để giải quyết. Nếu cần tư vấn, đăng ký gặp Ths.tâm lí Nguyễn Thúy Vân.
  • Tham gia Hội cha mẹ, cam kết tham gia tích cực các buổi tập huấn do Trung tâm tổ chức.
  • Học sinh đã vào học mà tự ý bỏ dở không có lý do chính đáng thì Trung tâm không trả lại các khoản thu, trừ tiền ăn.
  • Nghỉ ốm phải có giấy nằm viện thì có thể hoàn lại % học phí tháng (tùy từng trường hợp cụ thể).
  • Ngoại tỉnh thu học phí 3 tháng/1 lần.

 Ban Giám hiệu trường Tiểu học và Mầm non Tô Hiến Thành.

Tin liên quan chuyên mục: Hoạt động giáo dục đặc biệt

Charley Taylor Womens Jersey