Nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn luyện từ và câu
Trong bộ môn Tiếng Việt phân môn luyện từ và câu có một nhiệm vụ cung cấp nhiều kiến thức sơ giản về viết Tiếng Việt và rèn luyện kỹ năng dựng từ đặt câu (nói – viết), kỹ năng đọc cho học sinh, nhận thức rõ tầm quan trọng của phân môn luyện từ và câu trường Tiểu học Tô Hiến Thành đã mời Nhà giáo Trần Mạnh Hưởng – Chủ biên SGK Tiếng Việt dành cho học sinh Tiểu học đến dự giờ, thăm lớp nhằm có những đánh giá, góp ý nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn Luyện từ và câu nói riêng, môn Tiếng Việt nói chung.
Để tạo được sự hứng thú học tập, người giáo viên phải tạo được tâm thế thoải mái, phải làm cho học sinh cảm nhận được vẻ đẹp và khả năng kì diệu của ngôn từ, để kích thích vốn từ sẵn có của từng em. Nếu giáo viên biết gây hứng thú học tập cho học sinh sẽ làm cho các em thích thú học tập không còn gây cảm giác khô khan, chán học. Khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau, như: Phương pháp trò chơi, hỏi đáp… phù hợp với từng loại bài, tạo không khi học tập không ở phần giới thiệu bài mà cần cả ở hướng dẫn làm bài tập.
Buổi dự giờ phân môn luyện từ và câu, tiết “từ đơn và từ phức” lớp 4A2 của cô giáo Phạm Thị Hay được thầy Hưởng đánh giá chung là học sinh hiểu bài, nắm được kiến thức, sau tiết học các thầy cô giáo chủ nhiệm, trợ giảng cùng ngồi lại lắng nghe những đánh giá, góp ý của thầy Hưởng đối với phương pháp giảng dạy phân môn Luyện từ và câu; Thầy Hưởng đánh giá: “Bài từ đơn và từ phức không khó về mặt kiến thức nhưng quan trọng ở đây là cách dẫn dắt của giáo viên để học sinh có thể hiểu một cách dễ dàng, tiếp cận bài học với không khí vui vẻ, hào hứng chứ không phải vấn đề đơn giản nhưng giáo viên lại phức tạp lên”. Thầy Hưởng góp ý trong quá trình giảng dạy giáo viên không nên nói quá nhiều thay vào đó giành thời gian nhiều hơn cho học sinh nói và tự tìm hiểu làm bài tập thực hành, vấn đề nào không hiểu cô giáo sẽ giải thích.
Kiến thức Tiếng Việt vốn bắt nguồn từ đời sống thực tế, nếu trong khi dạy, giáo viên liên hệ thực tế để học sinh tìm kiến thức thì các em làm bài tập tốt hơn, hứng thú hơn. Ngược lại sau mỗi hoạt động hoặc mỗi bài, giáo viên cần liên hệ thực tế để giáo dục các em vận dụng những điều đã học vào cuộc sống. có như vậy, các em mới cảm thấy kiến thức bài học thật gần gũi, yêu thích môn học hơn.
Trong những năm qua, tích cực hưởng ứng cuộc vận động đổi mới công tác quản lí nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các nhà trường do ngành Giáo dục phát động, trường Tiểu học Tô Hiến Thành đã có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức cho giáo viên được dự giờ, thăm lớp thường xuyên thực sự đã có được những chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng các giờ dạy học và công tác chuyên môn của giáo viên.
Phạm Tùng Lộc