“Hà cớ gì không hát Quốc ca?”
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các trường phải tổ chức hát Quốc ca trong các buổi chào cờ và lễ kỷ niệm thay vì nghe hát Quốc ca như hiện nay. Chia sẻ về quy định này, cô Nguyễn Hương Sen – giáo viên một trường THCS ở Từ Liêm (Hà Nội) cho hay cô hoàn toàn ủng hộ quy định này của Sở GD-ĐT Hà Nội. “Tôi đã từng biết có rất nhiều học sinh bậc tiểu học, THCS, thậm chí bậc THPT không thuộc lời bài Quốc ca. Vào giờ chào cờ, các em được nghe Quốc ca từ loa mà không phải hát nên không thuộc. Điều này thật đáng buồn biết bao”.
Cô giáo Sen cũng chia sẻ, cô không bao giờ quên lễ chào cờ rất xúc động khi dự khai giảng ở Trường THCS Xã Đàn (Hà Nội). Đó là một mái trường có tới một nửa số học sinh là các em học sinh khuyết tật. Dù không thể nghe, không thể hiện bằng lời, nhưng các em học sinh khiếm thính vẫn “hát” Quốc ca theo cách riêng. Các em hát bằng tay…
Ở nước ta có quy định rõ ràng về việc hát Quốc ca trong những nghi thức nhất định. Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định về việc hát Quốc ca trong lễ chào cờ. Chia sẻ với phóng viên, nhạc sỹ Phú Quang bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành quy định này, Sở GD-ĐT Hà Nội. “Dù đã ở lứa tuổi cũng gọi là cao như tôi, nhưng thời khắc lần đầu tiên được đứng dưới lá cờ Tổ quốc, được cất cao giọng hát Quốc ca sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi. Và tôi tin, mọi người dân nước Việt ta có cùng niềm đồng cảm, xúc động đó với tôi… Khi Quốc ca thì mọi người đều thấy rưng rưng xúc động, muốn cống hiến cho đất nước”, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ.
Vị nhạc sỹ cũng cho hay, những lần giao lưu, thi đấu quốc tế, khi đội bóng của mỗi nước ra trận, các thành viên đều hát vang bài ca của đất nước mình để thể hiện niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở mình cố hiến hết mình cho dân tộc, tạo hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Thử hỏi, giả sử, nếu một mai này, khi ra nước ngoài mà được bạn bè yêu cầu hát bài Quốc ca mà lại không thuộc lời thì thật đáng hổ thẹn. “Theo tôi, yêu cầu học sinh hát trong giờ chào cờ là quá đúng đắn, là lẽ đương nhiên. Sẽ thật là buồn nếu những chủ nhân tương lai của đất nước này lại không thuộc bài ca của dân tộc mình. Học sinh phải biết xấu hổ nếu bản thân không hát Quốc ca, không thuộc lời Quốc ca”, nhạc sỹ Phú Quang chia sẻ.
Nhà văn Chu Lai cho rằng: “Quốc ca không chỉ là một bài hát mà nó chính là mạch đập của dân tộc, là chiều dài của lịch sử đầy giông bão nhưng cũng hào hùng, lẫm liệt. Mỗi khi hát Quốc ca, người dân đất Việt được bày tỏ sự chân thật từ trong lòng mình với Tổ quốc, nó khác hoàn toàn với việc nghe từ bản thu âm sẵn có. Vì thế việc bỏ những bản thu âm đi là hoàn toàn đúng đắn”.
Thầy Đào Quốc Vịnh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) cũng cho rằng, quy định hát Quốc ca đã được nêu rõ tuy nhiên nhiều trường vẫn dùng sản phẩm băng đĩa thu sẵn bài hát để phát lên trong lễ chào cờ. Học trò và thầy chỉ hát mấp máy môi, thậm chí có nhiều trò không hát, chỉ nghe. Điều này chẳng khác nào cả thầy và trò đang “hát nhép”. Những nghệ sỹ hát nhép bị dư luận xã hội lên án vậy mà trong nhà trường học trò cũng “hát nhép Quốc ca” là điều hoàn toàn không nên.
Thầy Vịnh chia sẻ thêm: “Mỗi lần tôi được đứng dưới cờ và hát Quốc ca đều thấy dâng lên trong lòng sự xúc động lạ lùng. Khi còn đi học, vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần, nhà trường đều tổ chức cho chúng tôi kéo cờ, đánh trống và hát Quốc ca. Dù còn nhỏ nhưng chúng tôi hát rất hăng say và được dạy rằng chào cờ và hát Quốc ca là một hành động thể hiện lòng yêu Tổ quốc, một tình cảm thiêng liêng.
Ngày nay, ở nhiều cơ quan, trường học, mỗi khi có những nghi thức quan trọng thì người ta chỉ việc đứng và nghe nhạc. Thế nhưng tôi vẫn còn bắt gặp nhiều cảnh tượng rất xúc động. Đó là lần tôi xuống bảo dưỡng xe ở một hãng ô tô có vốn đầu tư nước ngoài có trụ sở trên đường Giải Phóng. Sáng đó, cột cờ lưu động được đặt ở trung tâm của sân đại lý, lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên. Tất cả nhân viên nghiêm trang làm lễ chào cờ và hát vang bài Quốc ca. Chứng kiến cảnh ấy tôi xúc động và tự hào vô cùng”.
Huệ Như
Dantri.com.vn