GIÁO DỤC TÌNH CẢM CHO TRẺ CON CẤP TIỂU HỌC
Hiện nay, việc giáo dục trẻ con ở cấp tiểu học được giao hoàn toàn cho nhà trường, và chủ yếu nhà trường giáo dục trẻ con tiểu học trên các phương diện nhận thức, tư duy và trí nhớ. Môi trường gia đình, các tổ chức xã hội và thiên nhiên hoàn toàn không được định hướng và không đóng vai trò gì nhiều trong việc giáo dục cho trẻ con tiểu học. Và phương diện tình cảm hoàn toàn không được coi là một phương diện cần được hình thành đầu tiên và quan trọng bậc nhất trong quá trình giáo dục một con người. Mô hình giáo dục cho toàn bộ giới học sinh, sinh viên, học viên các cấp vốn đã sai lầm như thế, đang bị các nhà trường và phụ huynh áp dụng máy móc cho cả trẻ con ở cấp tiểu học.
Con người dần dần sẽ bị máy móc thay thế trên phương diện nhận thức, tư duy và trí nhớ. Ngày nay có những máy tính điện tử có thể rà soát dữ liệu nhanh gấp hàng triệu lần tốc độ đọc hiểu của con người, có những robot có khả năng đánh cờ vua hơn hẳn những đại kiện tướng quốc tế và cũng có những ổ cứng có khả năng lưu được số lượng thông tin nhiều gấp hàng trăm ngàn lần trí nhớ dài hạn của những thần đồng về khả năng ghi nhớ.
Vậy con người chúng ta còn lại những gì? Con người trong tương lai không xa, sẽ chỉ còn lại hệ giá trị tình cảm và cảm xúc. Đó chính là hệ giá trị mà không một máy móc nào có thể thay thế được. Hệ giá trị tình cảm và cảm xúc là hệ giá trị vĩnh hằng đồng hành cùng nhân loại.
Giáo dục có mục đích cuối cùng là hình thành và phát triển hệ giá trị cao đẹp của con người. Khi hệ giá trị nhận thức, tư duy và trí nhớ bị máy móc thay thế dễ dàng theo thời gian, con người chỉ còn hệ giá trị tình cảm và cảm xúc. Như vậy, giáo dục là phương tiện gìn giữ và phát triển tính người, giá trị người, mà đại diện của tính người, giá trị người chắc chắn sẽ không phải là những gì mà máy móc cũng có thể làm ra. Tính người, giá trị người được quy về hệ giá trị tình cảm và cảm xúc. Giáo dục có mục đích cuối cùng là hình thành và phát triển những tình cảm, cảm xúc cao đẹp giữa con người với con người, con người với xã hội và con người với tự nhiên.
Nhờ quá trình giáo dục, con người sẽ biết yêu thương, một tình yêu thương bác ái. Tình yêu bản thân, yêu cha mẹ, yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu người xa lạ, đó là tình yêu con người. Tình yêu quê hương, yêu rặng núi con sông, yêu cánh đồng nương rẫy, yêu biển đảo trước mũi xâm lăng, yêu tấc đất Việt Nam ở một miền xa chưa bao giờ đặt chân tới, đó là tình yêu đất nước. Tình yêu những cánh chim thiên di, yêu những con chuồn chuồn ngô, yêu những tiếng ve sầu mùa hạ cháy, đó là tình yêu thiên nhiên.
Nhờ quá trình giáo dục, con người sẽ được hình thành, phát triển và trải nghiệm những cung bậc tình cảm cao đẹp tích cực và đầy chất nhân văn như tình yêu thương, và cũng dần dần loại trừ đi những cung bậc cảm xúc tiêu cực và phản nhân văn như sự ích kỷ, lòng căm thù, nỗi uất hận. Con người sẽ trở thành con người vị tha, cao thượng và nhân ái.
Giáo dục tiểu học không thể đặt trọng tâm vào việc mở mang nhận thức, tư duy và rèn luyện trí nhớ như chúng ta, nhà trường và phụ huynh vẫn thường áp dụng cho học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Nếu anh ta là CON NGƯỜI, trong đó phần NGƯỜI đang phát triển đến cực điểm, thì việc hiểu biết nhiều sẽ khiến cho anh trở thành một nhà hiền triết, một nhà cách mạng cứu rỗi thế giới, nhưng nếu anh là CON NGƯỜI, trong đó phần CON đang phát triển đến cực điểm, thì việc hiểu biết nhiều sẽ khiến cho anh ta trở thành một nhà khoa học chế tạo bom nguyên tử, một kẻ tham nhũng khôn ngoan giảo hoạt. Giáo dục tiểu học là cấp giáo dục đầu tiên đối với một con người. Việc quyết định mở mang tâm hồn trước khi mở mang trí óc là một nguyên tắc sống còn trong quá trình giáo dục một con người.
Việc mở mang tâm hồn bao giờ cũng phải được đặt trước việc mở mang trí óc. Chúng ta phải có trái tim trước khi có bộ não, chúng ta phải có nhân cách trước khi có năng lực lao động, và đứa trẻ cũng vậy.
Chúng ta không cần mong muốn và gò ép con em mình đạt được điểm cao trong những môn toán, môn từ ngữ ngữ pháp, môn tiếng Việt, môn tập làm văn, môn tự nhiên xã hội, môn giáo dục sức khỏe. Chúng ta không cần phải hướng dẫn hoặc vô tình để cho những đứa trẻ mới lên sáu, lên mười đọc những cuốn sách về máy móc và robot, hoặc những chương trình dạy làm giàu, hoặc những trang mạng đầy rẫy mâu thuẫn và tiêu cực, hoặc những thông tin đa chiều về tình hình xã hội. Những điều đó xuất hiện quá sớm sẽ làm vẩn đục bầu trời tuổi thơ của trẻ con, nơi tình cảm nhân văn hình thành. Chúng ta hãy trao cho đứa trẻ một trái tim, và hành trang vốn sống sẽ tự thân hình thành trên con đường phía trước. Tất cả mọi gượng ép đều chỉ biến trẻ con thành cỗ máy học tập.
Ở cấp tiểu học, chúng ta chỉ cần những đứa trẻ biết đọc, biết viết, biết làm toán, những con chữ có thể nguệch ngoạc, những cuốn vở có thể bẩn, có thể nhòe mực, những phép tính có thể chỉ là cộng trừ nhân chia thật bình thường, không cần học những cách viết chữ cầu kỳ, không cần học những kỹ thuật tính toán cao siêu, không cần học những lớp học bổ trợ để thi đấu.
Những bậc phụ huynh và nhà trường không nên biến cấp tiểu học thành một cấp bậc nghề nghiệp mà ở nơi đó, những thiên thần bé bỏng của chúng ta phải trải qua một quá trình luyện tập kham khổ đầy áp lực về điểm số, về chuyên môn, về giáo lý, để sau đó giả dụ có ra đời ngay lập tức, những đứa trẻ con phải có khả năng đi làm để kiếm miếng cơm ăn, phải có được năng lực làm ra đồng tiền. Không bao giờ được biến cấp tiểu học thành một cấp bậc giáo dục mang nặng tính nghề nghiệp chuyên môn, cho dù đó là nghề đi học.
Chúng ta hãy làm sao để sau khi bước chân ra khỏi nhà trường tiểu học, những đứa trẻ con biết yêu thương ông bà và cha mẹ, yêu thương thầy cô giáo và bạn bè, yêu cuộc sống và thiên nhiên. Những đứa trẻ tự hào hát vang lên Quốc ca Việt Nam, những đứa trẻ tự hào về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, những đứa trẻ yêu chuộng hòa bình. Những đứa trẻ dũng cảm vượt qua khó khăn của miền núi để vượt suối băng rừng về xuôi học tiếp cấp 2. Những đứa trẻ không sợ hãi, công khai căm thù cái ác và công khai ủng hộ những hành động tốt. Những đứa trẻ tương thân tương ái, giúp đỡ người nghèo. Những đứa trẻ hăng hái lao động công ích, trồng cây mùa xuân và đóng góp kế hoạch nhỏ. Đó là một vài trong số những tình cảm nhân văn cao đẹp mà chúng ta cần nơi trái tim của trẻ con sau cấp bậc tiểu học. Đó cũng là hệ giá trị tình cảm nhân văn.
Vậy giáo dục để trẻ con hình thành và phát triển hệ giá trị tình cảm cao đẹp như thế nào?
Nếu để học sinh có khả năng nhận thức, tư duy và trí nhớ, chúng ta chỉ cần giáo dục nhà trường, và phương thức giáo dục là sử dụng các phương tiện giáo dục, ví dụ như giáo viên, lớp học chuyên đề, sách giáo khoa.
Nhưng nếu để trẻ con tiểu học hình thành và phát triển hệ giá trị tình cảm cao đẹp, chúng ta cần phương thức giáo dục khác, đó là phương thức sử dụng môi trường giáo dục.
Sẽ không thể có một đứa trẻ biết yêu thương, không hận thù nếu đứa trẻ đó sống trong một môi trường gia đình tan vỡ, môi trường bạn bè và thầy cô kỳ thị, ghét bỏ, môi trường xã hội rối ren, chạy theo đồng tiền và đầy rẫy bất công. Sẽ không thể có một đứa trẻ biết bao dung nếu cha mẹ và anh chị em của đứa trẻ đó là những con người ích kỷ, nhỏ nhen và cay nghiệt.
Gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội và thiên nhiên chính là môi trường giáo dục của đứa trẻ. Môi trường cần nhất là sự tham gia. Hãy cho trẻ con tiểu học tham gia vào những môi trường nhân văn, mà trong đó, nhà trường chỉ là một trong số những môi trường đồng hành giáo dục trẻ con.
Việc mở mang tâm hồn cho con trẻ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà còn là trách nhiệm của gia đình và các tổ chức xã hội. Những phương tiện giáo dục có thể là sách dành cho thiếu nhi, những bản nhạc, những bức tranh, những bài thơ, những truyện ngắn, những cuốn truyện dài. Đồng thời, cái vướng mắc nhất trong việc giáo dục hệ giá trị tình cảm cao đẹp cho trẻ con lại không phải nằm ở phương tiện giáo dục mà nằm ở mối quan hệ giữa con người với con người trong môi trường gia đình, xã hội và mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên. Có thể nói, người lớn phải tự giáo dục lại mình trước để hình thành một môi trường thật tốt cho sự hình thành tình cảm của trẻ con.
Trẻ con không thể hình thành tình cảm độ lượng nếu trong gia đình cha mẹ đều là những con người nhỏ nhen ti tiện. Trẻ con không thể hình thành lòng dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác nếu trong gia đình cha mẹ đều là những con người làm việc ác. Trẻ con không thể hình thành trái tim công bằng, bình đẳng nếu những tổ chức xã hội đều mua bán trắng trợn trên niềm tin, tình yêu, đam mê và sở thích của trẻ con, khi trẻ con thấy những đứa trẻ nhà giàu được hưởng trọn đam mê và sở thích, còn bản thân những đứa trẻ nhà nghèo, đam mê và sở thích đó không bao giờ thực hiện được. Trẻ con không thể yêu thiên nhiên, nếu ngày ngày đi qua những rãnh cống đen ngòm đầy rác, nếu những loài động vật hiền lành ngày ngày bị giết chết. Giáo dục trẻ con không phải dựa trên nền tảng rơi từ trên trời rơi xuống, mà xuất phát và có nền tảng là giáo dục người lớn. Xin nhắc lại, người lớn phải tự giáo dục lại mình trước để hình thành một môi trường thật tốt cho sự hình thành tình cảm của trẻ con. Đó chính là phương thức giáo dục đúng đắn nhất đối với trẻ con tiểu học. Để ngày mai của Việt Nam, trong mỗi đứa trẻ đều bừng lên những tình cảm nhân văn đến từ Thiên Chúa.
Đào Quốc Minh.