Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em: Hãy hành động vì tình yêu thương
Không ít bậc phụ huynh coi quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ trên 6 tuổi giống như một trách nhiệm và việc thực hiện chỉ là điều bắt buộc. Tuy nhiên, đã đến lúc nhận thức này cần được thay đổi.
Các bậc cha mẹ cần hiểu rằng, đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông không chỉ là tôn trọng luật pháp, mà đó còn là hành động thiết thực thể hiện tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái.
Chuyện chiếc mũ bảo hiểm
TP Hà Nội hiện có hàng ngàn trường tiểu học. Rất nhiều trong số đó nằm ở khu vực ngoại thành, ven đô, nơi có mật độ dân cư không quá cao. Việc vắng bóng lực lượng CSGT cùng với tâm lý “ngại phiền” cố hữu của không ít bậc phụ huynh khiến việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với trẻ em trên 6 tuổi tại những khu vực này bị lơ là .
Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) Nguyễn Văn Quyết cho biết, trường có hơn 85% học sinh thường xuyên đi bộ hoặc đạp xe tới lớp. Khoảng 15% các em nhỏ còn lại (được chở tới trường bằng xe máy) tỏ ra rất e ngại khi phải cầm theo chiếc MBH vào lớp học. Trong khi, bản thân nhiều bậc phụ huynh cũng không muốn mang theo mũ của con tới cơ quan vì… sợ vướng víu!
Một giáo viên trường Tiểu học Yên Hòa (quận Cầu Giấy) thẳng thắn bày tỏ, ý thức trách nhiệm của không ít bậc phụ huynh đối với con cái chưa thực sự cao. “Bằng chứng chẳng đâu xa, bởi ngay cả việc đưa con đi học vào mỗi buổi sáng thôi mà nhiều cha mẹ còn bị muộn, nói gì tới nhớ đội MBH cho con. Không những vậy, trẻ nhỏ thường có tâm lý lơ đãng, ít quan tâm đến những chuyện “lặt vặt” xung quanh, nếu cha mẹ không để tâm, chú ý nhắc nhở thì gần như các em sẽ quên không đội” – giáo viên này nói.
Hướng dẫn các em trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) đội mũ bảo hiểm đúng cách. Ảnh: Trần Quý.
Ở một khía cạnh khác, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên (Sở GD & ĐT Hà Nội) cho rằng, cha mẹ học sinh cần quan tâm nhiều hơn tới việc lựa chọn mẫu mã MBH khi mua nhằm tạo tâm lý thích thú cho trẻ, bởi trẻ luôn có những so sánh với bạn bè. Nếu mũ quá xấu, chắc chắn trẻ sẽ không muốn đội.
Liên quan tới vấn đề bảo quản MBH, anh Lê Hà Phương, đại diện hội cha mẹ học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết, trường thiếu rất nhiều vị trí giữ MBH cho trẻ, nên việc để mũ trong lớp đôi khi khiến trẻ rất mất tập trung (vì mũ nhiều màu sắc, hoa văn,… dễ thu hút sự chú ý của trẻ). Bên cạnh đó, việc trẻ hay lơ là, để quên mũ dẫn tới mất mát cũng ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của các bậc phụ huỵnh. Từ đó không muốn đội mũ cho con, hoặc chỉ mua loại rẻ tiền, nếu có mất cũng… đỡ tiếc!
Yêu thương con từ những điều nhỏ nhặt
Đã có không ít giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em đội MBH khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó sẽ không thể mang lại hiệu quả trong dài hạn nếu nhận thức của các bậc phụ huynh không được thay đổi.
Tổng hợp ý kiến của lãnh đạo gần 20 trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy tại một buổi tọa đàm tổ chức mới đây cho thấy, bên cạnh việc tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền về việc đội MBH trong các chương trình phát thanh trường học hoặc những cuộc nói chuyện về chủ đề ATGT trước chào cờ đầu tuần, nhà trường nên phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ và Đội Cờ đỏ của các trường, bước đầu xử lý mạnh tay những trường hợp cha mẹ không đội MBH cho con như một hình thức răn đe.
Thực tế cho thấy, tâm lý đối phó xuất hiện rất nhiều ở các bậc phụ huynh. Không ít trường hợp có mang MBH theo xe nhưng lại chỉ đội cho con khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng.
Đáng lo ngại, khi tâm lý “đối phó” này đang có xu hướng lan tỏa tới suy nghĩ của nhiều học sinh. Khi trò chuyện cùng các em nhỏ trường Tiểu học Nghĩa Tân, chúng tôi nhận được những câu trả lời rất hồn nhiên “đội MBH vừa nóng, lại vướng víu nên chỉ khi bố mẹ, thầy cô trong trường bắt buộc thì em mới đội”. Chính vì vậy, nên chăng, các trường tiểu học có thể xem xét việc đưa quy định đội MBH như một tiêu chí đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh. Điều này có thể chưa mang lại hiệu quả về chiều sâu nhưng trong ngắn hạn sẽ giúp hạn chế phần nào những đáng tiếc do TNGT khi không may xảy ra.
Những hiểm họa giao thông đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp. Trẻ em lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nếu không được bảo vệ đúng cách, hậu quả chắc chắn sẽ rất khôn lường. Bởi vậy, nếu thực sự yêu thương con trẻ, các bậc cha mẹ cần thay đổi suy nghĩ và hành động, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.
Theo kinh tế và đô thị