Chữ lễ đâu phải của riêng học trò, thầy cô cũng phải học

(GDVN) – Ứng xử lịch sự, có văn hóa là điều ai cũng cần phải học và luôn phải rèn luyện hàng ngày mới có được. Điều này, càng trở nên quan trọng hơn với thầy cô giáo.

10c3fd

 

Trong các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông, thường có câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” được treo ở vị trí trang trọng, với phông chữ to, in đậm.

Dòng chữ này, đã trở nên quen thuộc như một lời răn, lời nhắc nhở mọi người, điều đầu tiên phải biết rèn luyện đạo đức, nhân cách làm người, biết đối nhân xử thế và giao tiếp có văn hóa… sau mới đến học kiến thức kĩ năng.

Một số giáo viên cứ nghĩ, câu tục ngữ trên chỉ để răn dạy học trò, mà quên rằng chính các thầy cô giáo chúng ta mới là những người phải học lễ nghĩa đầu tiên.

Ứng xử nơi học đường

Hằng ngày, chúng ta thường giảng dạy cho học sinh những chuẩn mực đạo đức, từ lời ăn tiếng nói, cách ứng xử văn hóa với mọi người, phải biết kính trên, nhường dưới, thân thiện, hòa nhã, lịch sự trong giao tiếp, lễ phép với thầy cô, người lớn tuổi …

Nhiều thầy cô biết dạy học trò điều đó, nhưng lại cho phép mình không thực hiện giống những điều mình đã dạy các em.

Một số giáo viên tiểu học lớn tuổi thường than: ra đường gặp lại học trò cũ của mình nay đã là thầy cô giáo dạy cấp 2, 3, dù là chạm mặt nhau, các em cứ nhìn trừng trừng vào mặt mà không hề chào thầy cô một câu.

Phải chăng các em nghĩ: vị thế bây giờ đã khác? Mình đường đường là một giáo viên cấp 3, còn thầy cô vẫn chỉ là giáo viên tiểu học như ngày nào?

Có giáo viên còn kể chuyện đi họp phụ huynh cho con ở một trường cấp 3 thị xã, họ thật bất ngờ, khi gặp cô học trò cũ ngày nào, nay là cô giáo chủ nhiệm của con mình.

Vì quá vui mừng, cô định gọi tên trò cũ, thì chợt khựng lại, một luồng điện lạnh buốt chạy dọc sống lưng khi cô học trò cũ lia ánh mắt lại chỗ cô nhưng không biểu hiện một thái độ gì.

Cô giáo chợt nghĩ: Có lẽ trong cuộc họp, cô giáo buộc phải làm thế nên cũng không nghĩ ngợi nhiều. Vào cuộc họp, mặc dù cô giáo chỉ đáng tuổi con cháu một số phụ huynh, nhưng không một lời thưa gửi cho đúng nghĩa.

Giáo viên trịch thượng ngồi báo cáo một cách lạnh lùng, kèm theo những câu nói không chủ ngữ. Khi cần đưa giấy tờ cho phụ huynh kí, lại đưa bằng một tay…

Tan buổi họp, cô giáo cũ cố tình chủ động hỏi thăm về tình hình học của con để xem cô giáo có nhận ra mình, nhưng vẫn chỉ là thái độ dửng dưng, lạnh lùng.

Và nhiều lần sau đó, cô thường xuyên bắt gặp em trên đường, nhưng chưa một lần em chào cô, một giáo viên chủ nhiệm của em ba năm ở tiểu học. Cô giáo buồn và nói: Đối xử với cô giáo cũ của mình như thế, có lẽ chẳng bao giờ cô giáo cấp 3 kia dạy học sinh của mình phải biết chào hỏi khi gặp người lớn tuổi?

Nhiều em học sinh cấp 2, 3 than rằng: Thầy cô trường con kì lắm, tụi con gặp mặt chào nhưng nhiều cô thầy không trả lời, cũng không mỉm cười một cái, nhiều lúc thấy quê vô cùng nên những lần sau đó thấy thầy cô giáo ấy từ xa, tụi con phải tránh đi đường khác.

Ứng xử của giáo viên trong các buổi tập huấn, trong cuộc họp, hội nghị…cũng là vấn đề cần bàn. Cứ bắt đầu vào mỗi buổi họp, buổi tập huấn nào đó, cán bộ phụ trách đều lưu ý thái độ tôn trọng người báo cáo, không nói chuyện riêng, không làm việc riêng…

Ở trên bục, báo cáo viên say sưa nói, phía bên dưới thầy cô nói chuyện như “ngô rang”, không ít lần người báo cáo phải dừng lại giữa chừng vì những tiếng nói chuyện át cả tiếng giảng bài.

Có người mở điện thoại lên facebook miệt mài lướt, có tin gì hấp dẫn, mọi người chụm năm tụm bảy tám và cười nói rộn ràng.

Ứng xử ngoài xã hội và trong gia đình

Nhiều thầy uống rượu say, to tiếng ngoài quán nhậu. Say lay lắt vẫn kéo nhau đi karaoke “mỏi tay hơn mỏi miệng”.

Cô giáo cũng nhậu, uống “tẹt ga” như đàn ông, vừa nói vừa cười hô hố…Nhiều giáo viên bị kiện thưa vì cách ứng xử không đẹp với hàng xóm.

Từ chuyện con cái mâu thuẫn, xích mích với bạn đến chuyện tranh chấp đất đai, lối đi…Trong cơn tức giận, bức xúc, nhiều người quên mất mình là thầy cô giáo nên đứng ngoài đường chửi nhau tay đôi tay ba với nhiều ngôn từ chợ búa.

Trong gia đình, đôi khi vì mâu thuẫn với chồng (vợ) và con cũng đánh chửi nhau chạy lòng vòng quanh xóm, vợ chồng mà chửi nhau là mày tao chi tớ, kêu nhau ăn thứ này thứ nọ, tố nhau những chuyện “chỉ hai người mới biết” làm náo loạn cả nơi cư trú…

Hay chuyện cô giáo chửi mẹ chồng, đối xử tệ bạc với người gìa, thầy giáo chửi cha mẹ vợ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với con cái.

Ứng xử lịch sự, có văn hóa là điều mà bất cứ ai cũng cần phải học và luôn phải rèn luyện hàng ngày mới có được. Điều này, càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các thầy cô  giáo, bởi chúng ta luôn phải là “tấm gương sáng” để học sinh nhìn vào và noi theo, để mọi người nhìn vào nhận định “Thầy cô giáo thì phải thế”.

Phan Tuyết

Theo: http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Chu-le-dau-phai-cua-rieng-hoc-tro-thay-co-cung-phai-hoc-post158852.gd

 

 

Tin liên quan chuyên mục: Chân lý - những góc nhìn

Charley Taylor Womens Jersey