Buổi học tập ngoại khóa bổ ích tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận, tìm hiểu về những hiện vật, di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử văn hóa dân tộc thuộc thời kì lịch sử cổ – trung đại Việt Nam, qua đó giúp các em khắc sâu thêm kiến thức của những bài học lịch sử dân tộc thời kì này, bồi dưỡng thêm tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào về truyền thống văn hoá dân tộc, lòng biết ơn tổ tiên và ý thức kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường, sáng nay 30/11 trường Tiểu học Tô Hiến Thành tổ chức buổi học tập ngoại khóa cho học sinh khối 3-4-5 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Thực hiện kế hoạch của nhà trường năm học 2016 – 2017 tổ chức các buổi học tập ngoại khóa gắn liền lý thuyết với thực tiễn, khắc sâu kiến thức sách vở qua những buổi nghe thuyết minh, tham quan hiện vật, mô phỏng từ đó giúp học sinh hiểu tiến trình lịch sử dân tộc. Đó cũng là cách học môn Lịch sử hoàn toàn mới mà trường Tiểu học Tô Hiến Thành cố gắng xây dựng trong bối cảnh mà nhiều thế hệ học sinh Việt Nam không biết rõ về lịch sử dân tộc với tâm lý chung coi Lịch sử là một môn phụ và cách dạy vẫn theo điệp khúc “thầy đọc, trò chép”. Bản thân ngay cả những môn khoa học tự nhiên cũng không có phòng thí nghiệm, không có giáo viên thí nghiệm thực hành. Các môn học về xã hội, nhất là môn Lịch Sử lại càng không được bố trí cho học sinh xem phim về lịch sử, không được bố trí tham quan thực tế các địa danh lịch sử. Vì vậy trường Tiểu học Tô Hiến Thành đã tiến hành đổi mới phương pháp dạy học bằng cách tổ chức các buổi học tập ngoại khóa tại bảo tàng, di tích có hướng dẫn viên thuyết minh. Học sinh đi học tập ngoại khóa phải mang theo sách bút để ghi chép kiến thức sau đó về trường viết bài thu hoạch và trong các đề kiểm tra của nhà trường sẽ có nhiều những câu hỏi liên quan đến kiến thức lịch sử mà các con đã được tìm hiểu qua những buổi học tập ngoại khóa đó.
Có mặt tại bảo tàng lúc 8h40, các em học sinh nhanh chóng tập trung dưới sự hướng dẫn của các thầy cô phụ trách theo từng nhóm. Trước khi đến với các phòng trưng bày hiện vật trong bảo tàng, các em được nghe thuyết minh viên giới thiệu sơ lược về tiến trình lịch sử dân tộc từ khởi thủy cho tới thời kỳ đấu tranh giành độc lập. Các em học sinh vừa lắng nghe một cách chăm chú, vừa ghi chép lại những kiến thức, những điều thú vị mà mình lĩnh hội được. Khi thuyết minh viên đưa ra những câu hỏi liên quan đến lịch sử dân tộc, các em nhanh chóng trả lời rất chính xác. Các cô hướng dẫn viên của bảo tàng có mặt tại đó đã nhận xét rằng học sinh trường Tiểu học Tô Hiến Thành không chỉ học tập sôi nổi mà còn rất năng động, thông minh và am hiểu kiến thức lịch sử dân tộc.
Sau hơn 1h lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu sơ lược tiến trình lịch sử dân tộc, các em học sinh tiếp tục tham quan các phòng trưng bày hiện vật qua các thời kì: Việt Nam thời tiền sử, thời kỳ Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc; thời kì đấu tranh giành độc lập; Các em tỏ ra rất hứng thú khi lần lượt tham quan các phòng trưng bày, được khám phá những điều thú vị về quá trình ông cha ta dựng nước và giữ nước, cũng như xây đắp nên truyền thống văn hoá Việt đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ đó, các kiến thức về lịch sử không còn là những con số, sự kiện khô khan nữa mà rất dễ dàng ghi nhớ bằng hệ thống hình ảnh, hiện vật cụ thể.
Bên cạnh việc lãnh ngộ những kiến thức lịch sử khi kết thúc thời gian tham quan các con đều phải làm một bài kiểm tra do các cô hướng dẫn viên ra đề nhằm đánh giá hiệu quả về buổi tham quan và đồng thời chọn ra những bài xuất sắc nhất để trao thưởng. Đề bài gồm có 17 câu, kiến thức xoay quanh những gì các con được nghe thuyết minh và xem các hiện vật tại bảo tàng. Ngoài ra câu thứ 17 là câu hỏi “các em hãy nêu cảm nghĩ của mình về buổi học tập ngoại khóa tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam?”
Buổi học tập ngoại khóa kết thúc, với những gì các em học sinh đã được “nghe tận tai, xem tận mắt” tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chắc chắn sẽ giúp các em khắc sâu thêm kiến thức của những bài học lịch sử, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Phạm Tùng Lộc