Trường Tiểu học Tô Hiến Thành: Nâng cao chất lượng phân môn Tập làm văn

Đối với việc học ngôn ngữ nói chung và học tiếng mẹ đẻ nói riêng có 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Trong đó viết là kỹ năng cuối cùng quan trọng nhất và khó rèn luyện cho học sinh. Để giúp cho việc dạy phân môn Tập làm văn trở nên sinh động, không bó gọn trong dàn ý bài làm văn mẫu trường Tiểu học Tô Hiến Thành đã mời Th.s Trần Mạnh Hưởng  –  Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Tiểu học, Chủ biên soạn nội dung SGK (Bộ GD – ĐT)  đến trực tiếp dự giờ phân môn Tập làm văn để có những đánh giá, góp ý nhằm nâng cao chất lượng các giờ dạy và công tác chuyên môn của giáo viên.

Dự giờ, thăm lớp là một việc làm hết sức quan trọng đối với mỗi giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng. Thông qua việc làm này giúp giáo viên rất nhiều trong công tác phát triển chuyên môn, đặc biệt là trong năm học mà  trường Tiểu học Tô Hiến Thành đánh dấu sự thay đổi toàn diện, sâu sắc nội dung và phương pháp dạy học.

_MG_2712

Ngoài sự quan tâm của thầy Hiệu trưởng Đào Quốc Vịnh và các cô giáo chủ nhiệm, nhà trường còn vinh dự được mời thầy giáo Trần Mạnh Hưởng – Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD – ĐT) trực tiếp dự giờ tiết Tập làm văn: Mở bài trong bài văn kể chuyện lớp 4A2 của cô giáo Bùi Thị Ngọc Bích.

_MG_2705

Tiết học diễn ra sôi nổi với sự hăng hái tham gia phát biểu xây dựng bài của tất cả các con.

_MG_2731

Tiết Tập làm văn luyện tập tả cảnh: Dựng đoạn mở bài, kết bài lớp 5A1 của cô giáo Đỗ Thị Thúy.

Sau buổi dự giờ thầy Hưởng cùng các cô giáo ngồi lại rút kinh nghiệm sau những tiết dự giờ. Thầy Hưởng đã tập trung giải đáp những thắc mắc, tiếp thu những  ý kiến xây dựng nội dung bài học của các cô giáo, về phương pháp và cách truyền đạt kiến thức cho học sinh dễ dàng nắm bắt. Thầy Hưởng nhấn mạnh: Với các bài làm văn miêu tả giáo viên nên vẽ sơ đồ theo từng nhánh, chi tiết về những đặc điểm, chi tiết miêu tả  nhằm giúp học sinh dễ hiểu và có thể triển khai theo các khía cạnh khác nhau của bài văn miêu tả. Một điểm cần lưu ý  là giáo viên phải luôn đề cao phương pháp làm mở bài gián tiếp, trực tiếp và kết bài mở rộng, đó mới là mục tiêu quan trọng phải đặt lên hàng đầu. Khi học sinh đã biết cách làm mở bài gián tiếp, trực tiếp và kết bài mở rộng thì mới bắt đầu đan xen quá trình chỉnh sửa câu chữ, cách diễn đạt cho học sinh. Cô giáo Bùi Thị Ngọc Bích nhận định:” Tập làm văn là một phân môn khó đối với học sinh vì vậy phải hướng dẫn các con cách viết, quan sát thậm chí tưởng tượng để phát huy tính sáng tạo của cá nhân học sinh”.

_MG_2743

Thầy Hưởng góp ý: “Trước khi làm văn kể chuyện giáo viên nên giải thích cho học sinh về nội dung và ý nghĩa câu chuyện để học sinh nắm vững cốt truyện, có cách hiểu đúng và từ đó biết cách dẫn dắt, tiếp cận cách làm bài văn”.

Trong năm học 2015 -2016 nhà trường từ bỏ cách đây biểu diễn – một thực trạng phổ biến và có từ xưa đến nay trong các buổi dự giờ ở tất cả các cấp học. Nhà trường sẽ đánh giá học sinh qua các giờ học bằng sự hăng hái tham gia phát biểu, xây dựng bài của tất cả các em học sinh, bất kể học sinh đó giỏi hay yếu kém. Trong tất cả các bộ môn, các con sẽ được phát huy sự sáng tạo của mình đặc biệt là môn Tập làm văn chứ không nhất thiết các con phải viết văn theo một dàn ý đã định sẵn sự gò bó về mặt câu chữ.

Tập làm văn là phân môn có tính tổng hợp, sáng tạo, thực hành và thể hiện được đậm nét dấu ấn cá nhân. Nội dung chương trình tập làm văn của  lớp 4,5 hiện nay khá phong phú, học sinh được học một số loại văn như: Kể chuyện, miêu tả, viết thư và một số loại văn bản khác (trao đổi ý kiến, giới thiệu hoạt động, báo cáo thống kê, thuyết trình tranh luận…).

Dạy tập làm văn lớp 4,5 nhằm chuẩn bị kiến thức và rèn luyện các kĩ năng làm văn; góp phần cùng các môn học khác mở rộng vốn sống, rèn luyện tư duy lô gích, tư duy hình tượng, bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc thẩm mĩ, hình thành nhân cách cho học sinh.

Để rèn kĩ năng viết cho học sinh, người dạy phải dạy tốt các phân môn như chính tả , luyện từ và câu, tập viết và tập làm văn. Để viết đẹp và viết đúng, thầy cô phải chú trọng rèn kĩ năng cho học sinh khi dạy tập viêt và chính tả. Còn muốn dạy cho học sinh viết đúng và hay thì chúng ta phải đặc biệt chú ý dạy tốt hai phân môn là luyện từ và câu và tập làm văn. Trong hai phân môn này, nhiều giáo viên cho rằng tập làm văn là môn khó dạy nhất, khó rèn kĩ năng cho học sinh nhất vì đòi hỏi học sinh phải có năng khiếu mới viết văn hay được.

Trong chương trình Tiểu học mới, các bài làm văn gắn với chủ điểm của đơn vị học. Quá trình thực hiện các kĩ năng phân tích đề, tìm ý, quan sát, viết đoạn là những cơ hội giúp trẻ mở rộng hiểu biết về cuộc sống theo các củ đề đã học. Việc phân tích dàn bài, lập dàn ý chia đoạn bài kể chuyện, miêu tả, biên bản,… góp phần phát triển khả năng phân tích, tổng hợp, phân loại của học sinh. Tư duy hình tượng của trẻ cũng được rèn luyện nhờ vận dụng các biện pháp so sánh nhân hoá khi miêu tả cảnh, tả người, miêu tả nhân vật, miêu tả đồ vật; nhờ huy động vốn sống, huy động trí tưởng tượng để xây dựng cốt truyện. Khi học các tiết tập làm văn, học sinh cũng có điều kiện tiếp cận với vẻ đẹp của con người, thiên nhiên qua các bài văn, đoạn văn điển hình. Khi phân tích đề tập làm văn, học sinh lại có dịp hướng đến giá trị  chân – thiện – mỹ được định hướng trong các đề bài. Khi quan sát đồ vật trong văn miêu tả, học sinh được rèn luyện cách nhìn đối tượng trong quan hệ gần gũi giữa người và vật. Các bài luyện tập, làm báo cáo thống kê, làm đơn, làm biên bản, lập chương trình hoạt động, viết thư, trao đổi với người thân, giới thiệu địa phương, tóm tắt tin tức,…cũng tạo cơ hội cho học sinh thể hiện mối quan hệ với cộng đồng. Những cơ hội đó làm cho tình yêu quê hương, đất nước, con người xung quanh của trẻ nảy nở; tâm hồn tình cảm của trẻ thêm phong phú. Đó là những nhân tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp của trẻ.

_MG_2748

Nội dung bồi dưỡng làm văn nhằm trau dồi vốn sống, vốn văn chương, nâng cao năng lực cảm nhận và diễn tả ở học sinh.

Trong những năm qua, tích cực hưởng ứng cuộc vận động đổi mới công tác quản lí nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các nhà trường do ngành Giáo dục phát động, trường Tiểu học Tô Hiến Thành đã có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức cho giáo viên được dự giờ, thăm lớp thường xuyên thực sự đã có được những chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng các giờ dạy học và công tác chuyên môn của giáo viên.

Phạm Tùng Lộc

 

Tin liên quan chuyên mục: Hoạt động của trường tiểu học

Charley Taylor Womens Jersey